Khi nghiên cứu những văn hóa trong Thủy Thủ Mặt Trăng, có lẽ những câu chuyện cổ tích Phương Đông làm tôi dễ thở hơn, bớt cảm giác rợn tóc gáy với những câu chuyện chết chóc, pha tình ái lộn xộn trong thần thoại Hy Lạp. Dù gì tôi mãi mong rằng, văn hóa Phương Đông luôn phải có nét khác biệt với phương Tây về quan điểm này, tạo nên vẻ đẹp trong sáng đậm chất phương Đông.
Nếu trong Thần thoại Hy Lạp chỉ có 3 nữ thần trong sáng (Virgin) là Athena (tên Latin là Minnerve) – nữ thần của trí tuệ và uyên bác, Thần mặt trăng Artemis và Hestia – Thần bếp núc, chăm sóc sức khỏe. Còn lại thì ôi thôi, Zeus thì không nói làm gì, Thần thơ và nghệ thuật Apolo còn biểu tượng cho sự đồng tính nữa. Tôi nghĩ Việt Nam khi dạy Thần thoại Hy Lạp cho học sinh sẽ rất vất vả bởi vì sẽ có những câu hỏi đặt ra cho thầy cô mà họ mãi không trả lời sao cho hợp tình hợp lý phương Đông được. Tại sao Thần của thời gian vô tận Kronos vì lo cho địa vị của mình mà lần lượt giết hết con mình sinh ra, người mẹ Rhea phải tìm cách cứu thần Dớt khỏi miệng thần đó thay thế bằng viên đá? Tại sao Thần bầu trời Uranus lại cưới mẹ mình là thần trái đất Gaia, sau này sinh ra bao nhiều Titan và nhân vật khác? Tại sao thần Dớt lại lấy chị gái mình là Hera, sinh ra 5 người con và còn đi “lăng nhăng’ với cả vô số thần và con người khác?Hay quan hệ đồng tính nam trong thần thoại Hy lạp, trong đó điển hình là Apollo và thần Dớt. Ngoài ra các thần chỉ có giết giết, khỏa thân và khỏa thân…
Thật khó xơi! Nhưng thôi đang nói về Thủy Thủ Mặt Trăng chứ
CÂU CHUYỆN CHÚ THỎ TRÊN MẶT TRĂNG (Cái tên Usagi Tsukino – Thỏ Ngọc)
Trong sự tích của Nhật có chuyện: Tương truyền có ba vị thần tiên hóa thành ba ông lão tội nghiệp đi xin ăn của cáo, khỉ và thỏ. Cáo và khỉ đều có sẵn thức ăn để cứu giúp, chỉ có thỏ trong tay không có gì. Sau đó, thỏ nói: “Mọi người hãy ăn thịt của tôi đi!”, rồi liền nhảy ngay vào lửa, tự nướng chín mình. Các vị thần vô cùng cảm động, và đã đưa thỏ lên cung trăng, trở thành Thỏ Ngọc.
Đối với Trung Quốc có kể lại: Ngày xưa một người đàn ông nọ rất giỏi giang và tốt bụng, nhưng sau khi được làm hoàng đế thì trở nên tham lam và ác độc, mong chế tạo thuốc trường sinh bất tử để hưởng thụ vinh hoa. Người vợ của ông không muốn người độc ác đó mãn nguyện bèn ăn trộm loại thuốc đó bay lên cung trăng mang theo chú thỏ của yêu quý của mình. Vì thế thỏ thường là con vật yêu quý của các thần y.
CÂU CHUYỆN VỀ 3 BÁU VẬT (Talisman)
Ba báu vật sử dụng của 3 chiến binh thủy thủ ngoài hệ mặt trời là Thủ Thủ Sao Thiên Vương Uranus với Thanh Kiếm Không Gian (Space Sword), Thủy Thủ Sao Hải Vương Neptune với Gương Deep Aqua Mirror, Thủy Thủ Sao Diêm Vương Pluto với Thiên Thể Ngọc Garnet Orb, ba vũ khí này cũng tượng trưng cho ba báu vật trong truyền thuyết Nhật Bản là: Kiếm, Gương và Trang sức – biểu tượng sức mạnh cai trị của Nhật Bản.
CÂU CHUYỆN CÔNG CHÚA KAGUYA HIME – Đây là cảm hứng của rất nhiều truyện, kịch của Nhật Bản, rất nhiều dị bản khác nhau.
“Ngày xửa ngày xưa có một ông lão sống cùng vợ ở một cánh rừng nọ. Một ngày ông đi vào rừng tre lấy măng đã phát hiện ra một thân tre phát sáng một cách kỳ lạ. Ông cảm thấy rất tò mò và muốn biết trong thân tre đó có gì. Ông lão sau đó cẩn thận chặt cây tre đặc biệt ấy và phát hiện bên trong đốt tre phát sáng là một bé gái rất xinh xắn. Ông quyết định mang bé gái về và bàn bạc với vợ. Cuối cùng, cả hai người đều quyết định sẽ nuôi dạy đứa trẻ, coi nó như một món quà mà ông Trời ban tặng cho họ. Lạ kỳ thay, kể từ khi nhận nuôi đứa trẻ, cứ mỗi khi ông lão vào rừng chặt tre thì trong mỗi thân cây lại có rất nhiều vàng. Kể từ đó, họ sống một cuộc sống sung túc.
Thời gian dần trôi qua, bé gái năm xưa giờ đã lớn và dần trưởng thành, trở thành cô gái trẻ đẹp nhất vùng. Mọi người xung quanh cô bắt đầu gọi nàng là “Kaguya Hime”, có nghĩa là công chúa tỏa sáng, hay công chúa ống tre, bởi sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều đến cầu hôn công chúa ống tre, trong số đó có 5 hoàng tử là nổi bật hơn cả. Để từ chối họ, nàng đã đưa ra những thử thách cho từng người, trong mỗi thử thách lại yêu cầu những sự vật rất lạ, khó kiếm tìm, và thường là của các vùng đất khác.
Người đầu tiên được yêu cầu đi tìm chiếc bát linh thiêng của Đức Phật. Chàng mang tới một chiếc bát vô cùng đắt tiền, nhưng không tỏa ra ánh sáng linh thiêng của Đức phật. Những hoàng tử khác cũng không khác gì người đầu tiên. Yêu cầu dành cho người thứ hai là một cây đỗ quyên có thân vàng lá bạc, người thứ ba là một chiếc áo choàng trong truyền thuyết của Trung Quốc, người thứ tư là một viên đá quý đủ màu của rồng, và người cuối cùng là một kho vỏ sò của loài chim nhạn, nhưng tất cả đều thất bại. Tất cả những đồ vật họ mang tới rất đẹp đẽ, cầu kỳ và tinh xảo, nhưng đều là đồ làm giả theo mô tả của nàng công chúa ống tre.
Thậm chí ngay cả khi nhà vua cầu hôn nàng cũng bị từ chối, mặc dù vậy, nàng vẫn giữ liên lạc với nhà vua qua thư. Một vài năm trôi qua, Kaguya Hime giờ đây bắt đầu thường trở nên rất buồn bã mỗi khi đến độ trăng tròn. Người bố hỏi nàng có phải đang có chuyện gì bất ổn không, và nàng thổn thức rằng nàng sẽ phải trở về mặt trăng. Dù nàng có muốn ở lại trái đất đi chăng nữa thì sớm muộn gì cha nàng – đức vua của mặt trăng – cũng sẽ đến để đón nàng đi. Công chúa ống tre sẽ rất thương nhớ những người bạn của nàng ở trái đất.”
Nguồn: http://sailormoonvietnam.wordpress.com/